Tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ cuộc sống khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số
17:41 01/01/2025
Bản Suối Khoang (xã Tân Hợp, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) có vị trí tách biệt hoàn toàn với bên ngoài, do đó, cuộc sống của người dân nơi đây chưa đáp ứng được các nhu cầu cơ bản nhất. Không chỉ có nơi đây mà trên khắp cả nước, nhiều địa phương còn phải đối mặt với sự thiếu thốn nghiêm trọng.
Ảnh 1: Điều kiện sống thiếu thốn của người dân vùng núi cao
Nỗ lực vươn lên gian khó
Giữa tiết trời lạnh giá của mùa đông Tây Bắc, người dân bản Suối Khoang vẫn đi chân đất, khoác lớp áo mỏng, ra sức làm lụng. Họ chỉ mong cầu một mái nhà vững chắc, có cơm ăn, áo mặc, việc đi lại bớt khó khăn hơn.
Ông Sang đã gắn bó với bản Suối Khoang được 54 năm. Với khả năng tiếng Việt hạn chế, ông nghẹn ngào: “Chúng tôi bao đời chỉ làm ngô sắn để bán, không đủ làm cái nhà ở cho tốt hơn. Từng này tuổi cố cho 3 đứa cháu đi học, chúng nó biết chữ sau còn làm ăn, không phải khổ thế này.”
Trẻ con ở bản Suối Khoang là niềm hy vọng lớn lao cho người dân nơi đây. Tại bản chỉ có trường mầm non, bọn trẻ phải ra trung tâm đi học nội trú.
Em Lù Thị Thái, học sinh lớp 6 trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Hợp luôn cố gắng vươn lên trong học tập. Thái học giỏi môn Tiếng Anh, luôn xếp trong top đầu của lớp. Trong tương lai, Thái muốn trở thành cô giáo dạy các em trong bản viết chữ, cùng xây dựng quê hương tốt đẹp hơn.
Ảnh 2: Các em bé trên bản Suối Khoang
Các chính sách thiết thực để hỗ trợ bà con
Dù đã cố gắng phát triển suốt thời gian qua, người dân bản Suối Khoang vẫn phải đối mặt với thực trạng thiếu thốn từ thuốc men, lương thực, nhu yếu phẩm. Nguồn thu chính của họ đến từ việc làm nông trong bản làng - nơi cách biệt với thế giới bên ngoài bằng con đường đất trơn bẩn, dốc đứng.
Theo Trưởng bản Mùi Văn Chiêng: “Tôi mong sớm có đường bê tông cho dân bản đi lại, mở rộng cơ hội ra bên ngoài đi làm kiếm thu nhập, bọn trẻ đi học xa dễ dàng hơn”
“Tôi mong muốn các chính sách quảng bá địa phương được đẩy mạnh hơn. Bản nằm trong hộ nghèo, được nhà nước hỗ trợ rất nhiều để phát triển kinh tế - xã hội. Hiện tại, chúng tôi phụ thuộc nhiều vào sự ủng hộ của các đoàn tình nguyện. Họ đến ủng hộ, giúp chia sẻ để cộng đồng biết đến bản chứ người dân chưa đủ trình độ để tự quảng bá rộng rãi” ông Chiêng cho biết.
Là một người con của mảnh đất Sơn La, anh Ngô Đức Kiên chia sẻ: “Hiện tại, nhà nước đã thực hiện đa dạng chương trình, tập trung nhiều nguồn lực để hỗ trợ địa phương. Hiệu quả nhất vẫn là đi sâu những cái chính sách liên quan đến hỗ trợ kinh tế dành cho bà con. Tuy nhiên cũng cần nâng cao và bổ sung thêm nhiều chính sách về văn hóa, vì đây là cái cốt lõi nhất để làm sao mà người dân có thể tự lực, tự cường và tự mong muốn phát triển quê hương, bản làng của mình. Đó mới là sự phát triển bền vững nhất.”
Đặc biệt, với các địa phương ở gần khu vực biên giới, việc nâng cao và phát triển văn hóa cho đồng bào dân tộc càng quan trọng hơn cả. Người dân cần có đủ kiến thức để luôn hướng về quê hương đất nước trong mọi hoàn cảnh.
Ảnh 4: Bà con bản Suối Khoang rạng rỡ trước các phần quà tình nguyện dịp Tết người Mông.
Bên cạnh các chính sách để hỗ trợ cải thiện đời sống người dân như 3 chương trình mục tiêu quốc gia, hoạt động tình nguyện cũng góp phần giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy chỉ là những đóng góp nhỏ bé, nhưng với sự nhất trí ủng hộ từ các đơn vị địa phương, các dự án mang con chữ, mang yêu thương đến vùng cao xa xôi sẽ được thực hiện hiệu quả hơn. Từ đó, cộng đồng sẽ chung tay giúp các bản làng nơi vùng cao vượt qua khó khăn, trở ngại, có cuộc sống đủ đầy bình dị, có cơ hội tiến xa hơn.
Hồng Vân