Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023: Tìm động lực mới cho tăng trưởng
15:30 18/09/2023
(VINEN) - NTE_ Thông qua Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023, chúng tôi mong muốn nhận được những ý kiến phản hồi từ cộng đồng doanh nghiệp để tìm ra động lực mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chia sẻ với DĐDN trước thềm Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”, diễn ra vào ngày 19/9.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.
- Ông đánh giá như thế nào về chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay?
Kế thừa các kết quả của diễn đàn kinh tế năm 2021, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 chúng tôi căn cứ vào thực trạng của nền kinh tế thế giới và khu vực trong bối cảnh khó khăn thách thức nhiều hơn thuận lợi, và đánh giá tình hình trong nước để đưa ra chủ đề này.
Chúng tôi xác định chủ đề diễn đàn năm 2023 từ kinh nghiệm của hai diễn đàn trước là hết sức quan trọng, để tập trung các ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học nhằm giải quyết các vấn đề đó. Chúng ta nhìn nhận bối cảnh kinh tế thế giới hết sức khó khăn, phức tạp, xung đột địa chính trị trên thế giới như Nga-Ukraine, các nền kinh tế lớn đang có dấu hiệu suy giảm tăng trưởng.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) 10 lần tăng lãi suất, những ngày gần đây Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã lần thứ 10 tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Đặc biệt, cầu tiêu dùng trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế thế giới suy giảm, việc này ảnh hưởng đến xuất khẩu đến các doanh nghiệp trong nước.
Bối cảnh kinh tế trong nước cũng như vậy. Bên cạnh những mặt tích cực như bảo đảm kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế gồm nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn được Quốc hội quyết nghị, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,1% CPI.
Nhưng vẫn còn khó khăn, vướng mắc trong nội tại nền kinh tế của chúng ta đã tích tụ từ nhiều năm. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng đã có nhận diện vấn đề về thể chế, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực…
Các “đại dự án” ngành công thương dù đã tháo gỡ được một số, nhưng còn nhiều dự án khó khăn, một số tổ chức tín dụng bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, kết cấu hạ tầng đã được quan tâm đầu tư nhưng giải ngân đầu tư công còn chậm.
Trong khi đó, phải có những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn về vấn đề giải ngân đầu tư công từ nay đến cuối năm 2023. Vấn đề đặt ra cho các nút thắt nội tại của nền kinh tế bị tích tụ nhiều năm thì nay phải tìm biện pháp tháo gỡ.
Ngoài ra, cũng phải phát hiện ra các dự địa, động lực tăng trưởng mới trong bối cảnh kinh tế số, kinh tế xanh. Như Chủ tịch Quốc hội đã nói, tương lai không phải là đường kéo dài của quá khứ, chúng ta không thể phát triển tuần tự như vậy mà phải ‘tranh thủ” cơ hội của nước đi sau.
Đây chính là mục đích của Diễn đàn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023, điều này cũng phù hợp với bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước và xu hướng thời gian tới để xử lý hai nội hàm tăng cường năng lực nội sinh và kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức
- Theo dự báo, năm 2023 có thể sẽ hoàn thành 10/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, 5 chỉ tiêu không đạt lại là những chỉ tiêu phản ánh chất lượng tăng trưởng, như tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, tỉ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP … Ông bình luận về vấn đề này như thế nào?
Mặt tích cực là đã hoàn thành 10/15 chỉ tiêu theo Nghị quyết 68 của Quốc hội, nhưng 5 chỉ tiêu chưa đạt được lại liên quan đến chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động.
Do đó, trong phiên họp thứ hai của diễn đàn sẽ cố gắng “phát hiện” vấn đề năng suất lao động của chúng ta như thế nào. Vấn đề năng suất lao động thể hiện khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, mặc dù thời gian qua do bị đứt gãy thị trường, cầu giảm đã khiến cho nhiều doanh nghiệp phải giãn, giảm việc làm.
Đặc biệt, quy mô doanh nghiệp Việt Nam nhỏ, ứng dụng công nghệ còn hạn chế, liên kết với các doanh nghiệp FDI yếu… là những vấn đề rất cần quan tâm xử lý trong thời gian tới.
Vì hiện nay doanh nghiệp FDI chiếm 20% GDP, 74% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, nhưng nguyên liệu chủ yếu là nhập khẩu, công nghiệp hỗ trợ cung cấp cho các doanh nghiệp FDI còn hạn chế. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng tại Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam năm 2023.
Đối với công nghiệp chế biến, chế tạo là một trong các động lực tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian vừa qua cùng với đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng nội địa… Mặc dù chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đạt 50,5 điểm nhưng cũng chỉ gần đây, còn các tháng đầu năm 2023 đều dưới 50 điểm.
Qua nắm bắt tình hình, công nghiệp chế biến chế tạo có mức tăng quý I/2023 giảm 0,47%, 6 tháng có tăng nhưng chậm, ở mức 0,44%, chậm hơn so với cùng kỳ năm 2022.
Điều này thể hiện chất lượng tăng trưởng công nghiệp chế biến chế tạo vẫn phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI. Việc tháo gỡ vướng mắc khó khăn về thể chế, chính sách, thủ tục cải thiện môi trường đầu tư… cần phải được quan tâm hơn để phục hồi tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo trong thời gian tới.
- Ông kỳ vọng điều gì từ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023?
Từ kết quả của diễn đàn kinh tế năm 2021, trong bối cảnh khó khăn của dịch Covid-19 qua ý kiến người dân, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia trong nước và quốc tế chúng ta đã đưa ra một gói chính sách tài khoá và tiền tệ để hỗ trợ cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế-xã hội.
Nhờ đó, dịch Covid-19 đã được kiểm soát từ ngoại giao vaccine, bên cạnh ý thức của người dân và hệ thống chính trị vào cuộc tích cực. Kinh tế năm 2022 tăng trưởng ngoạn mục với 8,02%. Cùng với đó, chúng ta đã chuẩn bị các công trình trọng điểm quốc gia tạo động lực, niềm tin cho xã hội, cho cộng đồng doanh nghiệp trong năm 2022.
Năm 2022, Diễn đàn Kinh tế-Xã hội tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường tính tự cường, tự lực, tính chống chịu và thích ứng của nền kinh tế. Từ những chính sách quan trọng này và quá trình điều hành, kinh tế vĩ mô của chúng ta đã giữ được ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế như nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài đều ở trong giới hạn được Quốc hội quyết nghị. Vị thế đất nước, định vị tín nhiệm được cải thiện.
Có được kết quả này là từ những sáng kiến, kinh nghiệm thu thập qua diễn đàn 2022 để đưa vào Nghị quyết 68 của Quốc hội về phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, Nghị quyết 74 về kỳ họp lần thứ tư và các nghị quyết khác của Quốc hội đã đạt được các kết quả quan trọng.
Như tôi đã phân tích, với tình hình khu vực và trên thế giới hiện nay, kinh tế-xã hội trong nước vẫn còn thách thức, khó khăn. Năm 2021 tăng trưởng GDP đạt 2,56%, năm 2022 đạt 8,02%, 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng 3,72%, thấp nhất trong 10 năm vừa qua.
Áp lực đặt ra với tăng trưởng của năm 2023 và cho cả nhiệm kỳ 2021-2025 là phải có giải pháp gì để thúc đẩy tăng trưởng nhưng yêu cầu bền vững, kiểm soát ổn định kinh tế vĩ mô để đảm bảo an sinh xã hội và đời sống người dân.
Kế thừa kinh nghiệm từ các diễn đàn trước, chủ đề chúng tôi đưa ra năm nay được đánh giá là “đúng và trúng”, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn, các chuyên gia, nhà khoa học đồng thuận là phải tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững.
Thông qua Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023, chúng tôi rất mong muốn nhận được những ý kiến phản hồi từ cộng đồng doanh nghiệp, người dân, chuyên gia đến các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ để sớm đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm giải quyết các điểm nghẽn của nền kinh tế, cũng như tìm ra động lực mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững thời gian tới.
- Trân trọng cảm ơn ông!
( Theo Diễn đàn Doanh nghiệp)