Tư duy mở để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo mở
22:48 01/11/2023
(VINEN) -
Xây dựng đổi mới sáng tạo mở cần có thời gian, nguồn lực và các kỹ năng cũng như cần được nuôi dưỡng, nhưng lợi ích của nó mang lại là đáng kể cho tất cả các bên liên quan.
Đổi mới sáng tạo mở gắn liền với trách nhiệm môi trường - xã hội - quản trị (ESG) và kinh doanh bền vững
Ông Wellbourne-Wood Shaun Michael, Hiệu trưởng (khu vực ASEAN), Đại học Curtin, Úc, gợi ý cho Việt Nam các giải pháp mà Úc đang thực hiện, bao gồm 2 chiến lược chính trong giai đoạn hiện tại: Thứ nhất là, nâng cao chất lượng dữ liệu và các chỉ số đo lường liên quan đến NCPT (R&D) Đổi mới để cung cấp thông tin chính xác hơn, từ đó hỗ trợ việc đề xuất chính sách và sáng kiến có hiệu quả hơn. Thứ hai, đầu tư một cách toàn diện vào các sáng kiến mà kết hợp chính phủ, ngành công nghiệp và nhà nghiên cứu để đối phó với những thách thức toàn cầu thông qua các cơ hội đổi mới và kinh doanh.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ ESG - Dịch vụ Kiểm toán, Công ty PwC Việt Nam lại có nhận định: Theo khảo sát vào năm 2021 của PwC với nhà đầu tư toàn cầu, 79% nhà đầu tư xem tiêu chí ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) là yếu tố quan trọng khi đưa ra quyết định đầu tư. Với trung bình khoảng 80% người dùng và nhân viên tham gia khảo sát sẵn lòng mua hàng từ hoặc làm việc cho một công ty có thực hành về ESG.
Chuyển đổi số, chuyển đối xanh trong lĩnh vực đầu tư, tài chính
Ông Ben Ong, Nhà sáng lập Quỹ đầu tư Wavemaker Impact trình bày: “Công nghệ ứng biến biến đổi khí hậu (Climatetech) trở thành một trong những lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất trong lĩnh vực vốn rủi ro (VC) vào năm 2021, chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng với hơn 210% so với cùng kỳ năm trước và đã tạo ra hơn 78 "kỳ lân" từ năm 2013.”
Ông Chong Fook Yen (Zhang Furen), Chuyên gia cấp cao về lĩnh vực xã hội (Phát triển kỹ năng), Vụ Đông Nam Á, Ngân hàng Phát triển Châu Á cho biết ADB quan tâm đầu tư các khoản tài chính nhằm phát triển nguồn nhân lực nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách như biến đổi khí hậu, chuyển đổi số và an toàn thực phẩm. Chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực cũng giúp các quốc gia tránh bẫy thu nhập trung bình, xử lý thách thức về nhân khẩu học, giảm bất bình đẳng thu nhập và hỗ trợ quá trình phục hồi sau đại dịch.
Ông Bùi Quốc Khánh, Tổng Giám Đốc Tập đoàn TNTech chia sẻ Cơ chế chấm điểm tín dụng cho Doanh nghiệp Xanh (CIC Model) như một tiêu chuẩn đánh giá các Dự án Xanh.
Chuyển đổi xanh trong lĩnh vực Logistics và thương mại điện tử
Áp dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo vào hoạt động logistics, Ông Lê Gia Thức, Phó Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị kiêm Giám Đốc Điều Hành Tập đoàn Đối tác Chân Thật cho biết đã thiết lập 01 trung tâm vận hành với chỉ 06 nhân viên để quản lý tất cả 15 nhà kho, áp dụng công nghệ để cải tiến quy trình, tăng năng suất, giảm lãng phí, bảo vệ môi trường và đáp ứng tiêu chí phát triển bền vững.
Ứng dụng công nghệ thúc đẩy giao thông vận tải xanh tại địa phương, Ông Quah Soon Hong, Giám đốc Điều hành, công ty ECVo, Singapore chia sẻ về dự án tư vấn các nhà quản lý Đồng Nai, Biên Hoà triển khai thí điểm xe bus điện trên địa bàn tỉnh, thí điểm nhận diện tín chỉ carbon tạo ra từ các mô hình thí điểm. Đồng thời, đại diện chia sẻ về công nghệ chụp ảnh vệ tinh giúp phân tích và tư vấn về quy hoạch giao thông, đồng thời giúp giải quyết các thách thức trong giao thông xanh tại tỉnh.
PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi
Nền kinh tế đại dương xanh và bền vững
Theo PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nghề cá Việt Nam, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chia sẻ “Chính phủ đang chủ trương dịch chuyển từ một nền kinh tế biển “nâu” sang nền kinh tế biển “xanh” đến năm 2030. Ở Việt Nam, chủ trương được tiến hành ở một số Bộ, Ngành có liên quan, nhưng chủ yếu được đẩy mạnh triển khai ở 28 địa phương ven biển. Cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại, chính sách đang được đẩy mạnh ở năm địa phương có điều kiện vượt trội, trong đó bao gồm Quảng Ninh, Hải Phòng (khu vực miền Bắc), Khánh Hoà (khu vực miền Trung), Bà Rịa - Vũng Tàu (khu vực miền Nam) và Kiên Giang - Phú Quốc.”
Ông Bayu Mukti Anggara, Giám đốc điều hành Fishlog, Indonesia trình bày giải pháp công nghệ kết nối ngư dân với người mua để giải quyết vấn đề lãng phí thủy sản tại Indonesia khi có tới 40% sản phẩm thuỷ sản ở Indonesia được xem là phần thừa, không được sử dụng. Một trong những nguyên nhân chính là do hệ thống phân phối và vận chuyển kém, dẫn đến tổn thất ước tính lên đến 7 tỷ USD.
Nông nghiệp thông minh và công nghệ thực phẩm
Ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) nhấn mạnh, biến đổi khí hậu, tăng trưởng dân số và sự cạnh tranh về tài nguyên… đang tạo ra áp lực lớn đối với ngành nông nghiệp. Do đó, nông nghiệp nước ta phải chuyển đổi sang hướng đi mới là kinh tế tuần hoàn.
Ông Nguyễn Đăng Khôi, Chủ tịch Tập đoàn Trọng Khôi khẳng định, nông nghiệp tuần hoàn là không bỏ đi thứ gì. Doanh nghiệp có thể làm giàu hơn nữa bằng chính những thứ vốn được coi là bỏ đi. Phụ phẩm nông nghiệp không được tái sử dụng vừa lãng phí, vừa là gánh nặng cho môi trường.
PGS.TS Ryota Kose, giảng viên Đại học Nông nghiệp và Công nghệ Tokyo (Nhật Bản): “Nông dân cần có cái nhìn tích cực hơn về các loại phế phụ phẩm nông nghiệp, bởi đây là tài nguyên quý giá và tại chỗ. Nếu được thực hiện bài bản ngay từ đầu và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, hoàn toàn có thể xuất khẩu các loại phế phụ phẩm, làm tăng giá trị của nông nghiệp tuần hoàn”.
Tại Việt Nam, quan điểm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để trở thành động lực, nền tảng phát triển kinh tế-xã hội đất nước đã được thể hiện trong nhiều văn kiện của Đảng và pháp luật, chính sách Nhà nước.
Với vai trò quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế - xã hội, việc tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động nhằm tôn vinh, ghi nhận thành tựu đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là rất cần thiết.
Diệu Oanh (Diễn đàn Doanh nghiệp)