PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh với sự nghiệp chăm sóc "Sức khỏe học đường"
23:50 01/01/2025
(VINEN) - PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh là Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, phát triển tiềm năng con người Việt Nam (IPD). Không chỉ đạt danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh còn là một chuyên gia trong lĩnh vực dinh dưỡng, sức khỏe, thể dục thể thao. Đặc biệt, ông là một chuyên gia hàng đầu trong tư vấn chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng giúp trẻ phát triển toàn diện và "đứa con tinh thần" mang tên "Sức khoẻ cộng đồng" được xuất bản khi ông bước sang tuổi 88.
Từ một học trò nghèo trở thành Nhà giáo nhân dân
Nhắc tới PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh, mọi người biết tới một nhà khoa học luôn mang trong mình khát vọng chăm sóc sức khỏe thể chất và trí tuệ tốt nhất cho thế hệ trẻ. Ông sinh năm 1937 tại huyện Đức Thọ - Hà Tĩnh trong một gia đình tri thức nghèo. Thời đi học của ông gắn liền với chiến tranh, thiếu thốn, loạn lạc… nhưng chưa khi nào vì hoàn cảnh sống gian khó ấy khiến ông nguôi mong ước học tập và khát khao được cống hiến cho đất nước.
Nhà đông anh em nên Nguyễn Võ Kỳ Anh luôn khát khao được đến trường. Nhờ sự thông minh, ham học nên cậu bé Kỳ Anh luôn đạt thành tích cao trong lớp. Năm 1956, Kỳ Anh tốt nghiệp trường cấp III Phan Đình Phùng (thời điểm đó là hệ giáo dục 9 năm) và đăng ký thi vào trường Đại học Y Dược khoa Hà Nội. Mấy tháng sau, ông nhận được giấy báo trúng tuyển. Hành trình đi học của NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh từ bé tới lúc lớn lên đầy khó khăn, thách thức. Nhưng vất vả càng giúp ông thêm quyết tâm học tập để thay đổi “số phận” và duy trì truyền thống hiếu học của gia đình, quê hương.
Nhà ông đông anh chị em (7 người), bố mẹ chỉ lo đủ cái ăn thôi đã biết bao cực nhọc. Thế nhưng, dù bữa khoai bữa sắn qua ngày, nhiều khi đói “vàng” mắt thì cậu bé Nguyễn Võ Kỳ Anh thông minh, hiếu học ngày ấy cũng chưa từng nghĩ tới bỏ học. Hơn thế, ông còn cố gắng học giỏi hơn, viết chữ đẹp, chăm ngoan và tích cực tham gia đội tuyên truyền của huyện, xã, hàng ngày đóng kịch, ca hát, vận động quần chúng tích cực tham gia cách mạng…
Bước vào học cấp 2, cái nghèo vẫn “bám” gia đình ông dù khi ấy bố ông đã làm thẩm phán tòa án huyện, mẹ làm giáo viên. Sau nhiều lần tản cư, di chuyển đến những nơi bố ông công tác, gia đình hơn 10 người của ông không có nhà, thường xuyên phải ở nhờ. Bản thân anh em của ông muốn học tiếp đều phải vừa học vừa làm, giúp mẹ lao động sản xuất, xay lúa, bán hàng xáo, làm nón, mót lúa.
Năm 1988, Ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em sáp nhập vào Bộ Giáo dục, khi đó ông Kỳ Anh được phân công làm Phó Cục trưởng Cục bảo vệ và giáo dục trẻ em. Ông được giao nhiệm vụ hết sức khó khăn là phụ trách mảng giáo dục trẻ em ngoài nhà trường. Phó Giáo sư Nguyễn Võ Kỳ Anh cho biết: “Trẻ em đến trường mẫu giáo lúc đó khoảng 50-60% và khoảng dưới 30 % trẻ em ở độ tuổi nhà trẻ. Như vậy, trẻ chưa được đến nhà trẻ, mẫu giáo còn rất nhiều sẽ bị thiệt thòi nếu không có những giải pháp để chăm sóc giáo dục các cháu thuộc diện này”. Những tháng ngày đèn sách, Nhà giáo Nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Võ Kỳ Anh trở thanhg Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tháng 9/2011, Viện Nghiên cứu giáo dục, phát triển tiềm năng con người Việt Nam (IPD) được thành lập do Phó Giáo sư Nguyễn Võ Kỳ Anh làm Viện trưởng. Nhờ đó, ông có thể tiếp tục đem công sức và trí tuệ cống hiến cho sự nghiệp giáo dục sớm cho trẻ em trong những năm đầu đời nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần, trí tuệ.
Tâm huyết với sự nghiệp chăm sóc "Sức khỏe học đường"
Bước sang tuổi 88, nhưng sự nhiệt huyết và tình yêu của Nhà giáo Nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Võ Kỳ Anh vẫn chưa ngơi nghỉ. Ông vẫn tham gia nghiên cứu, viết sách và truyền kinh nghiệm về giáo dục sức khỏe cho học sinh, sinh viên và giáo dục sớm ở trẻ em cho giáo viên mầm non và các bậc cha mẹ.
Sức khỏe học đường đang là vấn đề nóng hổi được xã hội quan tâm nhất hiện nay. Để thích nghi với thế giới phẳng, thế giới công nghệ thay đổi từng tích tắc, ngoài những vấn đề về sức khỏe, thể chất, vệ sinh trường học, bệnh học đường..., các em học sinh còn phải gánh trên vai những áp lực tâm lý, cám dỗ, bạo lực… ngày càng lớn. Từ những đòi hỏi thực tế của xã hội, và trường học được xem là nơi để tập trung nâng cao sức khỏe, thay đổi hành vi, lối sống cho thế hệ tương lai của đất nước thông qua việc giáo dục sức khỏe, rèn luyện kỹ năng sống, tạo điều kiện chăm sóc sức khỏe, đẩy lùi sự “ô nhiễm” môi trường học đường, ngày 02/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1660/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 thể hiện sự quyết tâm và khát vọng của quốc gia trong việc chăm sóc cho thế hệ tương lai đã khiến cho Nhà giáo Nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Võ Kỳ Anh đã bắt tay với dự án viết cuốn cuốn sách "Sức khỏe học đường" do nhà xuất bản thế giới xuất bản.
Cuốn sách "Sức khỏe học đường" nhằm cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 và tương lai của thế hệ trẻ Việt Nam, các nhiệm vụ thông tin và truyền thông cũng như hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non.
Nội dung cuốn sách trình bày khái quát về y tế sức khoẻ học đường; các công việc quan trọng trong công tác y tế trường học; cách chăm sóc sức khỏe; phòng, chống bệnh tật cho học sinh... Chăm sóc sức khỏe học đường là tài liệu hữu ích và thiết thực đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên y tế và nhân viên, người lao động, người làm công việc khác liên quan đến sức khỏe học đường trong trường học; người làm việc tại các cơ sở cung cấp cho học sinh; cha mẹ hoặc người giám hộ cùng các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Sách tổng số gần 300 trang với kết cấu 7 phần, Phần I: Một số vấn đề chung về sức khỏe học đường; Phần II: Tầm quan trọng của dinh dưỡng học đường; Phần III: Vệ sinh trường học và học sinh; Phần IV: Phòng tránh một số bệnh hay gặp ở học sinh; Phần V: Vấn đề sức khỏe tâm thần ở học sinh; Phần VI: Sức khỏe học sinh ở tuổi vị thành niên; Phần VII: Tai nạn thương tích ở trẻ em, học sinh.
Mỗi chương, mỗi phần đều có những nội dung quan trọng như: Một số vấn đề chung về sức khoẻ học đường, giáo dục thay đổi hành vi sức khỏe cho học sinh, truyền thông giáo dục sức khỏe cho học sinh, xây dựng trường học nâng cao sức khỏe. Tầm quan trọng của sức khoẻ học đường, Cần quan tâm đến dinh dưỡng trẻ em tuổi học đường; Dinh dưỡng hợp lý cho trẻ mầm non và tiểu học; Cần coi trọng bữa ăn học đường. Cần quan tâm đến công tác vệ sinh trường học như nước sạch ở trường học, Công trình vệ sinh ở trường học, giáo dục chăm sóc vệ sinh răng miệng cho trẻ em, học sinh; Phòng tránh và phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở tuổi học sinh; Nhà trường nói không với rượu bia; Hiểm họa của thuốc lá nung nóng với sức khỏe học sinh; Nhà trường với sức khỏe tâm thần học sinh; Những điều cha mẹ cần biết về hội chứng rối loạn tăng động; Gia đình và nhà trường cần quan tâm đến sức khỏe trẻ em vị thành niên; Vai trò của gia đình và nhà trường trong giáo dục sức khỏe học sinh;Những điều cần biết về tai nạn thương tích ở trẻ em mầm non và học sinh; Để giảm thiểu tai nạn thương tích trong trường học; Phòng tránh đuối nước ở trẻ nhỏ và học sinh; Phòng tránh tai nạn giao thông ở trẻ nhỏ và học sinh; Phòng ngừa một số tai nạn thương tích thường gặp tại trường học...
Cuốn sách mong muốn gửi đến độc giả, nhất là các bậc cha mẹ đang có con theo học ở các cơ sở giáo dục mầm non, các trường phổ thông những kiến thức và kỹ năng cần biết để giáo dục, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho con em mình đang trong độ tuổi đi học. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng muốn gửi đến các nhà quản lý giáo dục ở các nhà trường để làm tài liệu tham khảo khi xây dựng các nội dung truyền thông giáo dục sức khỏe cho học sinh, phụ huynh học sinh và lập kế hoạch nâng cao chất lượng các điều kiện vệ sinh, dinh dưỡng, y tế trường học để nhà trường trở thành một ngôi trường an toàn, sạch đẹp, giảm thiểu bệnh tật, tai nạn thương tích, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học đem lại hạnh phúc cho thầy, cô, học sinh và cộng đồng. Cuốn sách tập hợp các bài báo phục vụ truyền thông cộng đồng nên tác giả không trình bày sâu, chi tiết các nội dung từng chủ đề. Đến nay, sách in hàng nghìn cuốn và đã được chuyển tới hơn các trường tiểu học, THCS trên cả nước, tập trung vào các tỉnh vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Ông Nguyễn Hồng Quân - Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam chia sẻ: "Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, sức khỏe cộng đồng luôn là yếu tố quan trọng, có vai trò then chốt trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững của đất nước. Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam tự hào được đồng hành cùng các tổ chức, cá nhân nhiệt tình, tâm huyết trong việc nâng cao nhận thức và kiến thức về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Cuốn sách "SỨC KHỎE HỌC ĐƯỜNG" là một trong những minh chứng tiêu biểu cho sự nỗ lực và cống hiến của NGND.PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh. Tác giả không chỉ là một nhà khoa học uy tín, mà còn là một nhà giáo tâm huyết, luôn trăn trở và mong muốn góp phần cải thiện chất lượng giáo dục nói chung và giáo dục sức khỏe học đường, nói riêng. Những bài viết trong cuốn sách này là sự kết tinh của tri thức, kinh nghiệm và lòng yêu nghề của tác giả. Chúng tôi đánh giá cao những bài viết của NGND.PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh đã đăng tải trên Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng. Những bài viết đã tạo được sự chú ý đặc biệt và nhận được phản hồi tích cực từ cộng đồng. Cuốn sách "SỨC KHỎE HỌC ĐƯỜNG" là một tài liệu quý giá dành cho các nhà giáo, những người làm công tác quản lý giáo dục, hoạt động xã hội, phụ huynh và những ai quan tâm đến sự nghiệp giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng./.
Hoàng Anh Tuấn