Mua sắm cuối năm - Cơ hội vàng để phát triển kinh tế và “làm hại” môi trường
17:54 02/01/2025
PGS.TS Nguyễn An Thịnh (Tiến sĩ Quản lý tài nguyên và môi trường; Phó chủ tịch Hiệp hội Sinh thái Cảnh quan Quốc tế tại Việt Nam (VN-IALE); Giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN) khuyến nghị cần tăng cường phát triển kinh tế quốc gia để cân bằng vấn đề môi trường. Chúng tôi có cuộc phỏng vấn PGS.TS xung quành về vấn đề này.
Ảnh 1: Mua sắm cuối năm - Cơ hội vàng để phát triển kinh tế
Theo quan sát của ông, dịp mua sắm cuối năm - cơ hội vàng để phát triển kinh tế có tác động tiêu cực thế nào đến môi trường?
Dịp cuối năm là thời điểm cung - cầu gia tăng mạnh mẽ, vì vậy mà lượng hàng hóa tiêu thụ rất lớn, gần như đạt đỉnh. Ở Việt Nam, trong vòng một tháng cuối năm với rất nhiều sự kiện lớn như lễ Tết, các mặt hàng như thực phẩm, cây cảnh, thời trang… được người dân sắm sửa với tốc độ nhanh và số lượng nhiều. Điều này thực sự tốt về mặt kinh tế, góp phần tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm nội địa) quốc gia cũng như GRDP (tổng sản phẩm địa bàn) địa phương.
Ảnh 2: PGS.TS Nguyễn An Thịnh cùng các chuyên gia kinh tế và nhà khởi nghiệp (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Tuy nhiên, bên cạnh việc phát triển mạnh mẽ về kinh tế như vậy, mặt môi trường xảy ra quá nhiều vấn đề.
Thứ nhất, với nguồn cung nhiều, khâu sản xuất đầu vào cần tăng cường sử dụng nhiều phân bón, hóa chất,... với khối lượng rất lớn, không kịp xử lý trong thời gian giới hạn.
Thứ hai, với vấn đề tiêu thụ với số lượng thải ra quá lớn ở cả nông thông lẫn đô thị. Tôi lấy ví dụ như thực phẩm không hoàn toàn được chế biến sẵn, thực phẩm gặp nguyên liệu tinh thải ra rất lớn số lượng phế phẩm, phụ phẩm. Chưa kể với tập quán của người Việt Nam hiện nay có tâm lý chế biến dư thừa mùa cuối năm, những phần thức ăn thừa thải ra môi trường cũng rất nguy hại.
Với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực “Kinh tế môi trường và Phát triển bền vững”, xin ông cho biết tác nhân ảnh hưởng đến vấn đề này là gì?
Để đáp ứng vấn đề cung cầu lớn, các doanh nghiệp cũng như người tiêu thụ phải xử lý nhiều khâu liên quan đến hàng hóa, tất cả đều ảnh hưởng đến môi trường. Các dự án tăng cường sản xuất tạo ra khí thải, nước thải, giao thông đi lại nhiều để vận chuyển, mua bán giữa các tỉnh,... chưa kể đến vấn đề đóng gói bao bì càng nhiều càng gây ra phát thải khí nhà kính. Hiện tại về phần quản lý chỉ đứng ở góc độ thu gom thì không thể xử lý được lượng rác thải quá lớn lên môi trường vậy được.
Đặc biệt nhất là vấn đề cung cầu tăng đột biến thì tất cả các công đoạn của quá trình sẽ phải thực hiện gấp rút, ảnh hưởng trực tiếp đến cả tài nguyên. Giai đoạn sản xuất, phân phối và tiêu thụ các sản phẩm dùng một lần gây lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng nặng nề đến môi trường. Khi mà những việc như đánh thuế hay phí môi trường với các hàng hóa có đánh giá mức độ ô nhiễm ở mức cao chưa triệt để, việc hạn chế các tác nhân này còn gặp khó khăn.
Thưa ông, nếu không nỗ lực giải quyết, tác hại sẽ lớn ra sao?
Về mặt khoa học, những vấn đề trên đều có hệ lụy lớn đến môi trường cả ngắn hạn lẫn dài hạn. Việc tiêu thụ lớn, phát thải khí nhà kính như CO2, CS4 và ô nhiễm môi trường thành phần như đất, nước, khí do các chất thải độc hại sẽ ảnh hưởng trực tiếp sâu rộng hơn đến tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, mất cân bằng sinh thái. Cuối cùng là trực tiếp con người phải chịu ảnh hưởng nặng nề, khi đó thì kinh tế cũng không còn cơ hội để phát triển.
Theo ông, có khả năng để cân bằng vấn đề phát triển kinh tế mà không gây thiệt hại quá lớn đến môi trường?
Đây là vấn đề cần xem xét ở cả góc độ vĩ mô và vi mô. Với vĩ mô, vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế tuần hoàn (nền kinh tế xanh phát thải thấp) cần sự điều tiết của nhà nước và vận hành của thị trường. Với vi mô liên quan trực tiếp đến hành vi của các hộ gia đình, cá nhân người tiêu dùng thì cần tăng cường lối sống xanh với hình thức tiêu thụ tiết kiệm. Điều này không chỉ nằm ở khả năng vận dụng thuế kinh tế về môi trường mà còn cần sự đóng góp của đa lĩnh vực như truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân nâng lên nhận thức toàn xã hội. Phải sản xuất, vận hành, tiêu dùng hợp lý, có nhận thức về môi trường chứ không chỉ chăm chăm vào hiệu quả kinh tế mới dần có khả năng cân bằng hai vấn đề này.
Nhìn chung trong bối cảnh hiện tại, tôi đánh giá khả năng đạt được một nền kinh tế xanh xuất phát lớn từ tư duy và nhận thức cộng đồng.
Ảnh 3: PGS.TS Nguyễn An Thịnh - lãnh đạo Viện Khởi nghiệp cùng các chuyên gia kinh tế và lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định tại một hội nghị (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Hiện tại, có rất nhiều doanh nghiệp đã chủ động định hướng người tiêu dùng theo xu hướng tiêu dùng bền vững. Vậy ông có thể đánh giá tác động của sự thay đổi này đến kinh tế, môi trường và xã hội?
Đương nhiên là có sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của 3 bên: nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng chú trọng tăng cường sản phẩm hướng đến môi trường như có khả năng tái chế cao, phân hủy nhanh,... Đó là một cái ưu điểm.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cái tương đối thiếu. Các doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn có xu hướng, định hướng phát triển xanh thì nhiều nhưng cách thực hiện vẫn còn chưa đáp ứng. Người tiêu dùng bị ảnh hưởng với tư duy sống xanh cũng hầu hết nằm trong nhận thức, nhiều bộ phận cư dân còn lãng phí.
Mặc dù nhận thức về môi trường được nâng cao hơn đã là chấp nhận được, nhưng để nâng cao hơn trong cách thức vận hành của toàn xã hội, đạt mức triệt để thì còn là một chặng đường dài với nhiều nỗ lực thay đổi cơ chế.
Hiện tại, nhà nước có thể phát triển thêm chính sách để phát triển kinh tế giảm tối đa hủy hoại môi trường?
Nhà nước luôn cố gắng đảm bảo trách nhiệm, phát triển lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng bằng cách vận dụng chính sách kinh doanh giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, mấu chốt để giải quyết hai giao điểm kinh tế - môi trường này là xuất phát từ kinh tế, phải có nền kinh tế phát triển tiên tiến để người dân có thu nhập cao. Điều này cần cơ chế liên quan đến đường cong Kuznets về môi trường (mối quan hệ giữa thu nhập và bất bình đẳng, có thể được mở rộng sang tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên và phát thải chất ô nhiễm). Trong giai đoạn công nghiệp hóa, thu nhập tăng lên đồng hành với suy thoái môi trường. Nhưng khi quốc gia đã chuyển sang giai đoạn thu nhập bình quân đầu người tăng, thu nhập sẽ tỉ lệ thuận với bảo vệ môi trường. Đây là thách thức lớn với Việt Nam trong thời kỳ này. Phải tăng trưởng kinh tế, hiện đại quốc gia để tăng cường thu nhập người dân để tiến tới một xã hội có đầy đủ nguồn tài chính để giải quyết vấn đề môi trường. Để thực hiện điều đó, cần hai nhóm chính sách, một về phát triển kinh tế, một về bảo vệ môi trường như công cụ đồng hành trong mọi quyết định phát triển kinh tế.
Hồng Vân